Một chiếc máy phát điện có thể là một nguồn năng lượng có hiệu quả trong thời gian bị mất điện lưới, nhưng chúng ta phải chú ý để sử dụng một cách an toàn và luôn đọc hướng dẫn sử dụng đi kèm với máy.
Không sử dụng máy phát điện trong nhà và khu vực có không gian kín
Không bao giờ sử dụng máy phát điện cơ động trong gara, nhà để xe, tầng hầm, gầm sàn hoặc ở một nơi khép kín hoặc khép kín một phần, ngay cả khi có thông gió.
Sử dụng máy phát điện không đúng cách có thể dẫn đến ngộ độc khí CO sinh ra từ khí thải độc hại của động cơ, bị điện giật hoặc hỏa hoạn. Khi hoạt động, máy phát điện sẽ thải ra các khí độc như CO và CO2, đây là các loại khí không màu, không mùi nên khó nhận biết nhưng lại rất nguy hiểm, có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng. Khi máy phát điện hoạt động, nếu cảm thấy chóng mặt, đau đầu, buồn nôn thì nên ra ngoài ngay lập tức và tìm kiếm không gian thoáng đãng, trong lành để hít thở. Việc mở cửa sổ hoặc dùng quạt cũng không thể ngăn ngừa khí CO tích tụ trong nhà. Hãy lắp máy báo động khí CO chạy bằng pin hoặc có pin dự phòng tại nhà và thường xuyên kiểm tra pin và thay pin khi cần.
Không được vận hành máy phát điện dưới trời mưa và hết sức lưu ý vận hành an toàn khi trời nồm, ẩm ướt
Do nước và không khí ẩm, nồm là môi trường nguy cơ cao làm dẫn điện hoặc phóng điện bề mặt nên không được vận hành máy phát điện trực tiếp dưới trời mưa hoặc khi trời nồm, ẩm ướt nhằm hạn chế tối thiểu tai nạn điện do điện giật. Nên đặt máy phát điện trên một bề mặt phẳng và khô ráo, thông thoáng không khí. Để tránh bị điện giật, hãy giữ cho máy phát điện luôn khô và không dùng khi trời mưa hoặc ẩm ướt. Đảm bảo tay bạn khô trước khi chạm vào máy phát điện.
Không nối máy phát điện trực tiếp vào ổ cắm trên tường
Cắm các thiết bị trực tiếp vào máy phát điện, hoặc sử dụng dây dẫn dùng ngoài trời loại mạnh, với công suất (tính theo watt hoặc ampe) tối thiểu bằng tổng công suất của các thiết bị nối với máy. Không bao giờ cố gắng cấp điện cho căn nhà bằng cách cắm máy phát điện vào ổ cắm trên tường, cách làm đó gọi là “nạp ngược”, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng, người sửa chữa điện trong lúc mất điện lưới hoặc hàng xóm cùng sử dụng một máy biến thế bị điện giật, đồng thời có thể làm hư hại các thiết bị điện trong nhà.
Chú ý lưu trữ, bảo quản an toàn về nhiên liệu của máy phát điện
Hãy tắt máy phát điện và để nguội trước khi tiếp nhiên liệu. Xăng dầu đổ vào động cơ đang nóng có thể bốc cháy. Các nhiên liệu để vận hành máy phát điện thường là các nguyên liệu dễ cháy như: xăng, dầu… nên phải cất giữ nhiên liệu của máy phát điện trong một chiếc bình đựng đạt tiêu chuẩn và được bảo quản ở những nơi nơi khô, mát, để xa nơi sinh hoạt, đặc biệt là tránh xa các vật liệu dễ cháy và những nguồn nguyên liệu khác. Hãy hỏi đơn vị cứu hỏa địa phương để biết thêm các thông tin. Chỉ sử dụng loại nhiên liệu được khuyên dùng theo hướng dẫn sử dụng máy phát điện hoặc được ghi trên nhãn máy. Nếu bạn làm đổ nhiên liệu, hoặc không đóng bình đựng cẩn thận, hơi xăng dầu sẽ lan theo mặt đất và bốc cháy do tia lửa phát ra từ một thiết bị hoặc từ công tắc điện trong thiết bị.
Không để máy phát điện làm việc quá tải
Hãy xác định lượng điện năng bạn sẽ cần. Lượng điện năng tiêu thụ được tính theo số watt ghi trên bóng đèn. Nhãn mác trên các đồ dùng và thiết bị cho biết lượng điện năng cần thiết. Nếu không thể xác định được lượng điện năng bạn sẽ cần, hãy hỏi thợ điện.
Đảm bảo máy phát điện của bạn sản xuất ra lượng điện năng lớn hơn lượng điện năng tiêu thụ bởi những thiết bị bạn nối vào máy, tính cả sự tăng điện áp lúc đầu khi bật máy. Nếu máy phát điện không sản xuất đủ lượng điện năng để vận hành tất cả các thiết bị cùng một lúc, hãy sử dụng xen kẽ từng thiết bị.
Nếu các thiết bị của bạn tiêu thụ điện năng nhiều hơn lượng điện năng máy phát điện có thể sản xuất, cầu chì của máy phát điện có thể bị nổ, hoặc tệ hơn, các thiết bị nối với máy có thể hỏng.